5 tips ứng xử giúp bạn đưa ra góp ý khéo léo nhất

Trong cuộc sống hằng ngày, kể cả trong lúc làm việc nhóm ở trường, có những tình huống khó xử buộc bạn phải lên tiếng, phải đưa ra lời góp ý hoặc phê bình người khác. Nhưng phải ứng xử như thế nào để không rạn nứt mối quan hệ hiện tại? Cùng Global Me điểm qua mô hình gồm 5 tips ứng xử giúp bạn phải cân nhắc để góp ý một cách khéo léo và thông minh nhất.

Mô hình SBIFI có nghĩa là gì? Đây là cụm từ viết tắt của các từ sau:  

  1. Situation – Tình huống
  2. Behavior – Hành vi
  3. Impact – Tác động
  4. Future – Tương lai
  5. In-group – Nhóm nội bộ

Ứng dụng SBIFI thế nào để ứng xử khéo léo, không mất lòng nhau khi góp ý? Khi muốn đưa ra một lời góp ý, phản hồi (thường là tiêu cực) đối với một đối tượng cụ thể, bạn chỉ cần nhớ những ý chính trong tips ứng xử sau: 

1. Situation – Tình huống
Bạn phải đưa ra góp ý dựa trên một “thời điểm” hoặc “địa điểm” diễn ra hành vi mà bạn quan sát được. Vì vậy, bạn chỉ nên chọn một tình huống để trao đổi và nói một cách chi tiết nhất.

  • Hãy nói cụ thể: “Trong buổi họp sáng nay, mình thấy…”
  • Đừng nói khái quát: “Bạn lúc nào cũng…”, “Mỗi lần…”, “Cứ khi nào chúng ta gặp nhau…”

Có thể là đối phương cũng từng lặp đi lặp lại hành vi đó nhưng cách hiệu quả nhất là hãy tập trung vào các chi tiết cụ thể của sự kiện gần nhất. Bởi vì:

  • Việc khái quát hóa vấn đề khiến đối phương dễ phản biện hoặc chứng minh không đúng vì có thể những việc đó đã xảy ra từ rất lâu, khó kiểm chứng
  • Vốn dĩ đối phương (người bị góp ý) đang ở trong một trạng thái nhạy cảm nên họ sẽ bị choáng ngợp, bối rối dẫn đến phản ứng mạnh khi bị đề cập đến quá nhiều vấn đề ,

2. Behavior – Hành vi

Đây là phần chính bạn cần chú ý nhiều nhất. Bạn cần phải miêu tả lại hành động khiến bạn không hài lòng từ đối phương một cách rõ ràng và cố gắng không phán xét. 

  • Hãy nói: “Trong buổi họp sáng nay bạn đã hai lần ngắt lời mình khi tôi đang nói và dữ liệu bạn đưa ra là chưa được xác thực…”
  • Đừng nói: “Bạn không bao giờ chịu chuẩn bị trước khi họp… Bạn không có khả năng đi sâu vào chi tiết…”

Lưu ý, hãy tập trung vào các ví dụ cụ thể về hành vi mà bạn được chứng kiến, càng cụ thể càng tốt.

Yếu tố tác động là điều bạn cũng cần cân nhắc trong tips ứng xử để góp ý khéo léo nhất

3. Impact – Tác động

Đây là lúc bạn có thể nói về cảm nhận của bản thân dưới sự tác động từ hành vi của đối phương. Hãy nhớ, luôn luôn sử dụng đại từ “mình” để khẳng định và chịu trách nhiệm về cảm giác của mình, đừng nói như thể bạn đại diện cho tập thể.

  • Hãy nói: “Tôi cảm thấy thất vọng về việc anh cố tình ngắt lời tôi…”
  • Đừng nói: “Mọi người đều thấy là trong buổi họp đó anh không hề tập trung. Tinh thần của cả nhóm bị chùng xuống bởi anh đấy.”

Một sai lầm phổ biến mà chúng ta dễ mắc phải là hành động như thể họ là phát ngôn viên cho cả thế giới khi đưa ra những lời tuyên bố kiểu như: “Tất cả mọi người đều cảm thấy rằng…” hay “Ai ai cũng nghĩ thế…”

Ngược lại, hãy tập trung vào trải nghiệm của bạn, xuất phát từ góc nhìn cá nhân của bạn. Chính vì như vậy nên không ai có thể tranh cãi về tính xác thực của nó được bởi họ sẽ có xu hướng giảm bớt sự tự vệ khi bạn chỉ bạn chia sẻ quan điểm của mình chứ không cố tình “dán nhãn” họ.

4. Future – Tương lai

Những góp ý mang tính xây dựng luôn cần đi kèm với lời đề nghị giải quyết/đưa ra giải pháp để thay đổi. Hãy để đối phương có thời gian suy nghĩ xem nên làm gì để cải thiện tình hình chứ bạn đừng cứ đưa lời khuyên hay gợi ý từ chính bạn.

  • Hãy nói: “Bạn nghĩ bạn có thể làm gì để cải thiện tình hình này?”
  • Đừng nói: “Mình cũng không biết phải làm thế nào nữa. Những gì bạn làm quá tồi tệ.”


5. In-group – Nhóm nội bộ

Phần cuối cùng của buổi trao đổi, bạn hãy hướng tới việc xây dựng niềm tin lâu dài và nâng cao cảm giác an toàn ở đối phương. Việc này có tính chất quyết định vì nếu không khéo thì những lời bạn nói ở trên sẽ chẳng là gì cả. 

  • Hãy nói: “Mình đưa ra góp ý như thế này là bởi mình tin bạn có thể làm được tốt hơn. Sự tiến bộ của bạn có vai trò then chốt đối với nhóm mình đấy.”
  • Đừng nói: “Mình không dám chắc là bạn có thể cải thiện được gì không. Mình chưa từng gặp vấn đề như thế này với bất cứ ai.”

Tham khảo từ sách Deep Human – 5 Siêu Kỹ Năng Thiết Yếu Trong Kỷ Nguyên Công Nghệ 4.0

Xem thêm 5 phương pháp học tiếng Anh hiệu quả qua việc đọc sách tại ĐÂY.

Nếu bạn đang có kế hoạch du học Mỹ, Anh, Úc hay Canada, hãy đăng ký tư vấn với chúng tôi tại: http://globalme.edu.vn/dang-ky/